
NHỮNG BÀI HỌC TỪ ĐẠI DỊCH COVID CHO HÀNG LINH MỤC
FR. BLAKE BRITTON
Mọi thế hệ linh mục phải phân định vị trí của mình trong lịch sử, cách thức đặc biệt mà Chúa Kitô đang kêu gọi họ thi hành sứ vụ của Ngài trong hoàn cảnh và tình trạng khủng hoảng hiện tại của thế giới. Điều này đã xảy đến với tôi trong suốt đại dịch COVID-19. Thiên Chúa dùng những thời kì thử thách như một cơ hội để đào tạo và thánh hóa những ai có mắt thấy và tai nghe (x. Mt 13,9-6). Những tháng vừa qua, Chúa Thánh Thần đã sử dụng những kinh nghiệm khác nhau của tôi từ đại dịch COVID-19 để tôi suy ngẫm về bản chất của chức linh mục. Đặc biệt, tôi đã được thêm nhận thức về vai trò thánh hóa và tiên tri của thừa tác vụ linh mục. Chương này sẽ tóm tắt những bài học về chức linh mục từ đại dịch COVID-19 và cách chúng rèn luyện khả năng nhận thức của tôi trong ơn gọi cao quý này.
Linh mục – Người thánh hóa
Trước hết, một linh mục được gọi để thánh hóa. Đây là trách nhiệm hàng đầu và là kim chỉ nam cho mọi nỗ lực mục vụ của người linh mục. Phương tiện thánh hóa hoàn hảo nhất là phụng vụ thánh, đặc biệt là Hi tế Thánh lễ. Hiểu được điều này khiến cho thời gian phong tỏa trở nên khó khăn đối với tôi. Tôi phải thánh hóa đoàn chiên của mình thế nào khi tôi bị cấm nhìn thấy họ, chạm vào họ và cho họ ăn? Điều này gây ra nỗi đau to lớn trong trái tim mục tử của tôi. Điều này khiến tôi suy ngẫm sâu hơn về bản chất của phụng vụ và những hiệu quả bên trong của nó. Tôi bắt đầu đọc các tác phẩm của các Giáo Phụ về Thánh Thể và thần học Thánh lễ. Những gì tôi khám phá thật khá truyền cảm hứng.
Việc giáo dân thường xuyên rước lễ là một hiện tượng tương đối gần đây, chủ yếu là nhờ vào những cải cách trong phụng vụ thế kỉ 19 và 20. Theo truyền thống, việc trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân được dành riêng cho các ngày lễ trọng hoặc các nghi lễ đặc biệt khác. Tuy nhiên, chúng ta biết các tín hữu vẫn tham dự Thánh lễ trong suốt lịch sử Giáo hội bất kể họ có rước lễ hay không. Tại sao? Bởi vì, cuối cùng, Thánh lễ cơ bản không dành cho chúng ta; mà là dành cho Thiên Chúa. Hi tế Thánh Thể trước hết và trên hết là của lễ Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha. Do đó, các Kitô hữu xưa luôn xem Vinh tụng ca là cao điểm của Thánh lễ, chứ không phải lúc chúng ta rước lễ. Vì “nhờ Người, với Người, và trong Người” mà Thánh Lễ mới có hiệu lực và sinh hiệu quả. Sự tham dự của chúng ta không tạo thành nền tảng của phụng vụ. Nền tảng đó bắt nguồn từ hành động của Chúa Kitô.
Linh mục nhận ra bản thân trong tương giao của hành động phụng vụ thánh này khi ngài đồng thời là đại diện cho Chúa Kitô trước Chúa Cha và cho Chúa Kitô trước Giáo Hội. Ngày qua ngày, khi tôi đứng trước bàn thờ nhà nguyện, trước những hàng ghế trống, nơi đó đã triển nở trong tâm hồn tôi một nhận thức sâu sắc về thực tại này. Tôi ở bên bàn thờ này cho Chúa Cha, để tôn vinh Ngài và dâng lên Ngài sự thờ phượng đúng đắn. Mặc dù, giáo dân tôi không thể hiện diện về mặt thể lí, nhưng những lời trong quy chế và luật chữ đỏ cũng vẫn có hiệu lực như vậy; chúng vẫn mang lại ân sủng, vẫn cứu rỗi các linh hồn. Nhưng tôi cũng ở đó vì giáo dân của tôi. Hơn bao giờ hết, tôi cảm nhận được sự khao khát đối với Bí tích Thánh Thể của đoàn chiên tôi và sự mong mỏi được tham dự phụng vụ nơi linh hồn họ. Tôi mang lấy từng người trong chính con người tôi bên bàn thờ Thiên Chúa. Lời của thánh Phaolô có một ý nghĩa mới mẻ đối với tôi: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Những đau khổ của toàn thế giới - những người bị tổn thương do đại dịch COVID-19 và những hậu quả của nó - đã được hiện diện bằng xương bằng thịt của tôi khi tôi đứng trong tư cách của Chúa Kitô trước mặt Chúa Cha.
Rất may, giáo xứ của chúng tôi đang dần trở lại bình thường. Giáo dân một lần nữa lấp đầy băng ghế và hát những bài thánh ca. Nhưng cách cử hành Thánh lễ của tôi sẽ không bao giờ giống như trước. Thiên Chúa đã ban cho tôi ơn nhận thức phong phú về hồng ân chức linh mục và hiệu lực của Hi tế Thánh Thể. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ không bao giờ đóng cửa các nhà thờ nữa. Nói như vậy, tôi biết ơn Thiên Chúa đã dùng thời gian giãn cách để củng cố lòng sùng kính và yêu mến Thánh Thể của tôi.
Ngôn sứ - Thầy dạy
Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã khuyến khích các nghị phụ Công đồng Vaticanô II “đọc các dấu chỉ của thời đại”[1]. Ngài biết rằng thế kỉ 20 đòi các linh mục phải có khả năng nhận ra các xu hướng và hệ tư tưởng làm nên nền văn hóa để nói lên sự thật trong thế giới hiện đại. Chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô không phải là một nghề không quan trọng hay chóng qua. Nó cần thiết theo đúng ý nghĩa sâu xa nhất của từ này. Không có ơn gọi nào khác cần thiết hơn ơn gọi linh mục trong thời kì hoảng loạn, biến động và khốn khó này. Qua các bí tích và lời rao giảng, các linh mục giữ chặt dân Thiên Chúa trong thực tại là sự cứu độ của Chúa Kitô để họ có sức mạnh đối mặt với thời đại và những thách thức của nó. Như vậy, các linh mục phải nhạy bén và kiên định, bình tĩnh quan sát những diễn biến xã hội mà không quá bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông, chính trị, khoa học gia hay chính quyền. Giống ngôn sứ Êlia, các ngài phải bỏ qua vô số tiếng nói thường trái ngược này với một sự vâng phục thánh thiêng đối với “tiếng thì thầm êm dịu” của Thánh Thần (1Vua 19,12). Chỉ khi đó, họ mới có thể thực sự nuôi nấng con chiên và dẫn dắt chúng theo ý Chúa, kẻo họ đặt niềm tin vào những quyền lực của thế gian và đi ngược lại niềm hi vọng của Thiên Chúa.
Được truyền cảm hứng bởi Thánh Gioan XXIII, tôi đã quan sát kĩ lưỡng phản ứng của thế giới đối với đại dịch COVID-19. Rõ ràng chúng ta đang sống trong thời kì hậu Kitô giáo, thời kì nhân loại đặt niềm tin vào chính phủ, luật pháp, khoa học và lí trí của con người. Niềm tin được xem như một thể chế tình cảm hoặc một công cụ tâm lí, nhưng nó không có gì để ban tặng khi tấn bi kịch hiện tại hay các hoàn cảnh nghiêm trọng nảy sinh. Điều này được chứng minh rõ ràng bởi thực tế là ở một vài bang trong các giai đoạn mở cửa trở lại, các nhà thờ vẫn đóng cửa trong khi các câu lạc bộ khỏa thân, sòng bạc và cửa hàng rượu mở. Định nghĩa của từ “thiết yếu” có vẻ có chút sai lệch. Đó là bởi vì, đối với tâm trí giáo dân thời hậu Kitô giáo, tôn giáo hoàn toàn mang tính chủ quan và cá nhân. Nó không liên quan đến thế giới thực tế và không đưa ra các giải pháp thực sự. Trong nhiều tháng, các phương tiện truyền thông và các công ty đã trở thành tâm điểm của niềm hi vọng, thời gian và nguồn lực của chúng ta khi chúng ta đã phải hồi hộp trông chờ việc phát triển vaccine COVID-19, tin rằng vaccine sẽ cứu chúng ta và mang lại cho chúng ta sự tự do.
Tất cả điều này cho thấy nhiều tiếng nói đang bắn phá giáo dân của chúng tôi, chúng thi nhau giành lấy sự chú ý và đức tin của họ. Tiếng nói của Giáo Hội nằm ở đâu? Tiếng nói Giáo Hội có giống với những tiếng nói khác không? Phải chăng tiếng nói ấy không thể phân biệt được với những tiếng nói của thế giới? Hay liệu các chính sách và giáo huấn của Giáo Hội có chọc thủng được âm thanh ầm ĩ của truyền thông, chủ nghĩa khoa học và chính trị để đưa ra một phản ánh thấm nhuần đức tin về các sự kiện hiện tại không? Các linh mục của Giáo Hội có thể định rõ ân sủng khi không ai khác có thể làm? Chúng ta có muốn tập trung vào Chúa Kitô và chiến thắng của Ngài trước sự chết trong khi mọi người xung quanh chúng ta đang nói về quyền lực to lớn của cái chết?
Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, tôi đã nhận ra sự cần thiết phải cho thấy sứ vụ ngôn sứ của mình với tư cách một linh mục thông qua việc giảng dạy và lối sống. Như một mục tử, tôi không thể đầu hàng tinh thần hoang mang, sợ hãi hay lo lắng. Đó là một sự thiếu trách nhiệm mục vụ. Cũng thế, tôi không để sa lầy vào những luận điệu chính trị bao quanh tôi và làm hỏng cuộc sống hàng ngày của giáo dân tôi. Tiếng của tôi cần phải là “tiếng kêu trong hoang địa” (Ga 1,23), tìm cách biến “Thung lũng Khô cằn … thành nguồn suối nước” (Tv 84,6). Niềm vui và sự bình an trong Chúa Kitô là tiếng gọi quy tụ của tôi. Chúng ta có thể đặt niềm tin vào khoa học, công nghệ và sức mạnh của thế giới này, nhưng cuối cùng nó sẽ không còn nữa. Không gì có thể làm thỏa mãn ngoài Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Mặc dù không sai khi nhận lời khuyên từ các chuyên gia y tế, ban hành các quyền hiến định và mong muốn nâng cao chuyên môn y khoa, nhưng những điều này không nên quyết định cuộc sống chúng ta cũng như không thể là nguồn hi vọng của chúng ta. Vì “giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu” (1Cor 13,2) nhưng không tín thác vào Thiên Chúa, thì tôi chẳng có gì cả. Một điều khác chắc chắn sẽ xuất hiện để cướp đi sự bình yên của tôi và khiến tôi lo lắng cho dù chúng ta có phát minh ra bao nhiêu công nghệ và thuốc men đi chăng nữa.
Những tháng vừa qua, dân Chúa rất cảm kích về sứ điệp niềm vui và bình an trong Chúa Kitô. Họ nhận đủ các quy định về dịch bệnh COVID-19, tình hình chính trị bất ổn và những dự đoán về ngày tận thế. Việc rao giảng Tin Mừng không vướng bận những tường thuật của thế giới này giúp đưa người giáo dân về lại với sự tốt đẹp của thực tại, vốn thường bị các phương tiện truyền thông xã hội và các hãng tin làm sai lệch. Cuối cùng, mọi thứ rồi sẽ ổn, bởi vì Chúa Giêsu Kitô đang sống và Ngài yêu thương chúng ta. Và “ai sẽ tách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? . . . Không, trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35.37).
Tôi chắc chắn rằng mỗi chúng ta đã học được nhiều bài học trong suốt đại dịch COVID-19. Chúng ta hãy học từ những sai lầm của bản thân, được cổ võ nhờ những thành công của mình, và cố gắng trang bị cho mình tinh thần tốt hơn cho những năm sắp tới khi biết rằng bao lâu các Thánh lễ vẫn được cử hành và các Kitô hữu còn yêu mến Chúa Kitô, thì không gì có thể lấy đi sự bình an và niềm vui của chúng ta. Vì “hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em thuộc về Thiên Chúa, và anh em đã thắng được các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian” (1Ga 4,4).
Cha Blake Britton là cha sở và Phụ tá Giám đốc về Ơn gọi của Giáo phận Orlando, Florida. Ngài là một nhà văn, nhà diễn thuyết nổi tiếng và là người dẫn chương trình The Burrowshire Podcast.
Trích từ ebook Catholicism after Coronavirus, A Post-COVID Guide for Catholics and Parishes (Đạo Công giáo sau thời Coronavirus, Hướng dẫn dành cho người Công giáo và các giáo xứ thời hậu Covid) của Word on Fire, trang 61-69.
Biên dịch: Nhóm dịch thuật Gioan XXIII
[1] “Pope John XXIII Convokes the Second Vatican Council” (English translation of the apostolic constitution Humanae Salutis), In Verbo Veritatis (blog), December 2011, https:// jakomonchak.files.wordpress.com/2011/12/humanae-salutis.pdf.